Chi tiết tin

A+ | A | A-

Rác thải nhựa – Mối nguy hiểm đến môi trường

Người đăng: Admin Bình Nam Ngày đăng: 13:53 | 23/06 Lượt xem: 367

Rác thải nhựa – Mối nguy hiểm đến môi trường

Rác thải nhựa, đặc biệt túi ni-lông là những loại rác thải khó phân hủy và có tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe của con người. Tuy nhiên, hiện nay, với sự tiện lợi mà túi ni-lông mang lại, thì điều cũng dễ hiểu là vì sao, mà con người chúng ta, đang ngày càng lạm dụng nó. Công tác tuyên truyền vì vậy cần được thực hiện một cách thường xuyên và sâu rộng.

     Ông Võ Như Toàn – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, trong rác thải nhựa thì túi ni-lông chiếm một tỷ lệ rất lớn. Theo thống kê, rác thải ni-lông chiếm khoảng 60% lượng rác thải nhựa trên đại dương, nhiều gấp 1,5 phần còn lại của thế giới. Tại Việt Nam, mỗi hộ gia đình sử dụng tương đương 1kg túi ni-lông/tháng. “Rác thải nhựa có thời gian phân hủy dài và trong quá trình phân hủy lên đến 100 năm hoặc thậm chí 1000 năm đó, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ hay gọi là hạt vi nhựa. Những hạt vi nhựa này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn,… Khi con người tiếp xúc, ăn phải những hạt vi nhựa này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hóc-môn, bệnh về hô hấp, thần kinh…”, ông Toàn cho biết thêm.

     

Nhiều tổ chức, ban ngành, hội đoàn thể tham gia dọn vệ sinh môi trường.

     Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Trưởng phòng TNMT huyện cho biết theo thống kê, trong năm 2019 vừa qua, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn toàn huyện Thăng Bình khoảng hơn 23.000 tấn, trong đó, khối lượng rác được thu gom, xử lý khoảng hơn 19.300 tấn, đạt tỷ lệ hơn 90%. Hiện nay, 22/22 xã thị trấn đã có tổ thu gom rác, số hộ tham gia và nộp phí vệ sinh môi trường chiếm tỷ lệ 72%. Tuy nhiên, theo bà Hiền, công tác triển khai đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do lượng rác phát sinh lớn bởi người dân chưa có thói quen phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, một số địa phương thu phí thấp hơn đơn giá nên chưa thể cân đối thu chi. “Hiện nay, trung bình 1 hộ gia đình phát sinh khoảng 54kg rác/tháng, tương ứng với chi phí chi trả cho Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam là 27.540 đồng, cộng với chi phí chi cho tổ thu gom là 7600 đồng/tháng/hộ. Như vậy, trung bình phí chi trả vệ sinh môi trường của mỗi hộ gia đình hằng tháng khoảng 35.000 đồng, trong khi phí thu trong dân là 20000 đồng mỗi hộ nên địa phương phải bù chi 15.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền phân tích.

     Để có thể giảm thiểu được lượng rác túi ni-lông phát sinh, ông Võ Như Toàn - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho rằng người dân nên mang túi khi đi mua sắm, đó có thể là túi vải, túi giấy tái chế, túi sinh học, giỏ nhựa,… Cùng với đó, người dân cũng nên có ý thức chủ động từ chối túi phát miễn phí thấy không cần thiết và chọn mua những sản phẩm không đóng gói bằng túi ni-lông. Tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các đồ vật cũng là phương pháp mà người dân có thể thực hiện để hạn chế việc sử dụng túi ni-lông. “Người dân có thể sử dụng bình hoặc cốc đựng nước bằng thủy tinh thay chai/ly nhựa. Tận dụng lại các loại túi dày, chai nhựa trong sinh hoạt hằng ngày để trồng cây vừa tạo lợi ích kinh tế, vừa giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến môi trường sống”, ông Toàn nói thêm

Tác giả: Bình Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chuyên mục

Tình hình xử lý hồ sơ

Liên Kết Website

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào ?