Kết quả sau 1 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị tại huyện Thăng Bình
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta. Làm tốt công tác tiếp công dân góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng gắn bó, bền chặt, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước vững mạnh, thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Qua 01 năm triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Văn phòng Huyện ủy đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức quán triệt Quy định số 11-QĐi/TW cho cán bộ chủ chốt là các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, trưởng các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện; đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn nghiêm túc quán triệt, triển khai Quy định số 11-QĐi/TW đến cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Huyện ủy đã ban hành Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của Bí thư Huyện ủy, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bí thư Huyện ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc liên quan đến biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên. Huyện ủy cũng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian tiếp công dân của Thường trực Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy tại địa điểm Tiếp công dân của huyện vào ngày 10 hằng tháng và phiên tiếp công dân đầu tiên được bắt đầu vào tháng 3/2019. Đến nay, Thường trực Huyện ủy và đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chủ trì 14 phiên tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân huyện, tiếp trên 50 lượt công dân; chỉ đạo, giải quyết gần 50 vụ việc. Đối với các xã, thị trấn, Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn đã trực tiếp chủ trì 14 phiên tiếp dân tại địa điểm làm việc của đảng ủy các địa phương, đã tiếp trên 100 lượt công dân; đã chỉ đạo, giải quyết trên 60 vụ việc. Nội dung chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện chế độ, chính sách với người có công; công tác thi hành án dân sự...
Sau khi kết thúc buổi tiếp dân, đối thoại với dân, chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm nội bộ về kết quả việc tiếp dân, đối thoại với dân và phân công các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan đến nội dung tiếp dân, đối thoại với dân có trách nhiệm tham mưu xử lý, giải quyết. Chậm nhất là 10 ngày làm việc, Văn phòng Huyện ủy thông báo ý kiến kết luận của Bí thư Huyện ủy đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân tại buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân (nếu có); chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có kết luận của Bí thư Huyện ủy, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết các nội dung kết luận và báo cáo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các ý kiến, vấn đề, nội dung chưa được làm rõ tại buổi tiếp dân, đối thoại đến người có ý kiến và cơ quan, đơn vị liên quan; báo cáo với Bí thư Huyện ủy để theo dõi, chỉ đạo. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; những vấn đề, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành cần thời gian nghiên cứu xem xét, giải quyết để đảm bảo khách quan, đúng quy trình, trình tự quy định của pháp luật, phải thông báo bằng văn bản cho người có ý kiến tại buổi tiếp dân, đối thoại biết về thời gian, trách nhiệm của cơ quan giải quyết.
Qua triển khai thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị cho thấy công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy được thực hiện nghiêm túc; những phản ánh, kiến nghị của dân được chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả. Công tác giải quyết đơn thư, nhất là những đơn thư phục vụ Đại hội Đảng các cấp và giải quyết các vụ việc nổi cộm được quan tâm. Kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sau khi có Quy định 11-QĐi/TW đến nay là rất tích cực; nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài cơ bản được giải quyết; hạn chế phát sinh đơn thư vượt cấp; không xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện. Kết quả trên đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công bằng, lợi ích chính đáng của người dân, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần được khắc phục như: năng lực, trình độ của cán bộ tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ của các cơ quan chức năng không đầy đủ hoặc còn thiếu nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết; nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn bị động, thiếu chặt chẽ; trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại có trường hợp không rõ ràng; một số quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân còn bất cập, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn, nên khi giải quyết không có đủ cơ sở pháp lý hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật, chủ yếu là các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong thời gian đến, huyện Thăng Bình sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Công văn số 703-CV/HU, ngày 22/5/2019, Quy chế số 06-QC/HU, ngày 09/7/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy và các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hai là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp;
Ba là, tăng cường công tác phối, kết hợp trong tham mưu, xử lý, giải quyết giữa các cơ quan chức năng và huyện để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi người đứng đầu cấp ủy trong việc chấp hành quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;
Năm là, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và tham mưu, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài.