Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương cũng là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh.
Một nhiệm vụ trọng tâm, một giải pháp cơ bản thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nêu cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp. Trong mọi giai đoạn cách mạng, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn đồng bào nghe theo, thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít thì làm sao thuyết phục được quần chúng.
Thực tế cho thấy, dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng, bắt đầu từ những con người cụ thể, những tấm gương tiêu biểu. Trong kháng chiến chống Mỹ, những tấm gương anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, biến căm thù thành sức mạnh đánh thắng giặc Mỹ, thôi thúc bộ đội, dân quân tự vệ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới, những tấm gương dũng cảm hy sinh vì bình yên cuộc sống nhân dân, say mê tìm tòi trong lao động sản xuất, những tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng sẻ chia vì cộng đồng… đã góp phần làm lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Thời gian qua, việc thực hiện các chủ trương, quy định nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều Đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng được thể hiện ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cho nên việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua còn hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.
Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, mỗi người cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, chức trách của mình mọi nơi, mọi lúc. Sự hiện diện của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở bất kỳ nơi đâu, trong tổ chức, tại cơ quan, đơn vị hay ngoài xã hội bao giờ cũng phải là một tấm gương trong và sáng về mọi mặt. Vì vậy nêu gương không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày, tại nơi công tác, sinh hoạt, cư trú… Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên phải toàn diện về mọi mặt. Nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; nêu gương về quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân, gia đình…nêu gương từ việc lớn đến việc nhỏ, thể hiện trong những việc làm cụ thể. Đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt còn phải nêu gương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương, phải là một tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động và nhân dân noi theo.
Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, vấn đề cốt lõi hàng đầu là mỗi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Phải nghiêm khắc với mình, luôn tự nhìn nhận, xem xét, đánh giá bản thân một cách nghiêm túc theo chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, rút ra những bài học cần thiết trong công tác và trong cuộc sống, thấy được cái tốt, cái đúng để phát huy, nhất là thấy được những tồn tại, hạn chế khuyết điểm để tự đề ra biện pháp khắc phục; chân thành với người khác, ứng xử tinh tế, văn hóa trong giao tiếp; tận tâm với công việc chung; gần gũi, gắn bó với nhân dân, lắng nghe thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; nói đi đôi với làm.
Hình ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn tại Tả Thanh Oai
Thời gian đến, để triển khai thực hiện hiệu quả, đưa Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) cần có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó cần tập trung làm tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh học tập, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TW thực sự có hiệu quả để nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Chú trọng những “tấm gương sống” gắn với thực tiễn. Chú trọng việc biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt.
- Các cấp ủy đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần nêu gương gắn với giáo dục liêm chính. Xác định việc giáo dục này là một nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên, lâu dài, xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng. Bên cạnh việc giáo dục thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Triển khai Quy định, phải thấm nhuần phương châm: “Có xây, có chống và xây trước, chống sau” theo tinh thần: lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực để Quy định thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra không chỉ phát hiện những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt Quy định mà cần phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, từ đó đẩy mạnh biểu dương, tuyên truyền kịp thời sẽ lan tỏa trong Đảng, trong xã hội và để thực hiện tốt phương châm “xây trước, chống sau”.