Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng 8 năm 1945
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có một số người cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử nhằm phủ nhận thành quả ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may”. Đây là một quan điểm sai lầm, thiển cận mà chúng ta cần phải làm sáng tỏ bằng chính thực tiễn lịch sử sinh động của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Theo một số chính trị gia và học giả tư sản, từ sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày 09-3-1945), Việt Nam là thuộc địa của Nhật, mà phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và phải tuyên bố đầu hàng. Như vậy, ở Việt Nam đã xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, tận dụng cơ hội này những người Cộng sản Việt Nam đã huy động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Vậy nên, Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra và giành thắng lợi một cách nhanh chóng. Chính vì cách nhìn nhận thiển cận như vậy mà cho đến nay người ta vẫn cho rằng: Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đó là một sự ăn may. Nhưng thực ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không hoàn toàn giống như những gì họ đã suy nghĩ và nhìn nhận.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh và Liên Xô đánh bại trong chiến tranh thế giới thứ hai. Việc phát xít Nhật đầu hàng đã tạo ra thời cơ và điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng của nhiều nước ở khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Nhưng hãy đặt câu hỏi: “Vì sao và lý do nào mà cũng trong điều kiện khách quan đó chỉ có cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng? Từ thực tế lịch sử cho thấy: Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi, ngoài yếu tố khách quan thuận lợi thì cần phải nhận thức một cách đầy đủ những điều kiện chủ quan đã đóng vai trò quyết định. Đó là, sự chuẩn bị trực tiếp, lâu dài, chu đáo về lực lượng cách mạng để nắm lấy khi thời cơ đến và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế là, việc chuẩn bị lực lượng đã được tiến hành từ 15 năm trước, kể từ ngày Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03-02-1930) và đảm nhận sứ mạng lãnh đạo cách mạng. Thật vậy, qua 15 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện về đường lối cách mạng đúng đắn, từng bước vận động, giáo dục và tổ chức tập hợp quần chúng, qua ba cao trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945) như là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị lực lượng. Bước chuẩn bị đầy đủ tiếp theo và có ý nghĩa quyết định nhất là cao trào cứu nước 1939-1945. Điều này thể hiện rõ tại các văn kiện của Hội nghị Trung ương 6 và Trung ương 7, đặc biệt là Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Ðảng đã nêu rõ: Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Và, chúng ta phải tích cực chuẩn bị lực lượng, để nay mai đây khi cuộc chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc thắng lợi, thì với lực lượng hiện có chúng ta có thể tiến hành khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, giành thắng lợi, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong bức thư Kính cáo đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: Nay cơ hội giải phóng đã đến rồi... muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết. Trong lúc quyền lợi giải phóng dân tộc cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi thế nước sôi, lửa bỏng…
Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh vào tháng 5-1941 (sau này là Mặt trận Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng như: “Hội cứu quốc” “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”… Đây là những thành viên của Mặt trận sau này. Việc ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, vì lợi ích chung tối cao là độc lập dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thực tế. Như vậy, Đảng đã thực sự trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên tinh thần yêu nước của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bồi dưỡng và phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước sức mạnh tinh thần to lớn của lực lượng chính trị trong việc chuẩn bị và thực hiện Tổng khởi nghĩa.
Cùng với lực lượng chính trị, Đảng ta đã xây dựng được một đội quân vũ trang, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, Đảng ta đã tiến hành việc chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trực tiếp là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng đã chọn các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nhờ đó, đến tháng 6-1945 trước thềm Cách mạng Tháng Tám, khu giải phóng Việt Bắc đã được thành lập làm căn cứ địa quan trọng của cuộc Tổng khởi nghĩa, nơi đặt cơ quan chỉ huy đầu não của lực lượng cách mạng, nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc khởi nghĩa.
Để kịp đáp ứng với tình hình đang diễn ra hết sức khẩn trương, từ tháng 02-1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định thi hành một loạt biện pháp nhằm tiếp tục mở rộng phong trào cứu quốc, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của quần chúng, tiến hành các cuộc khởi nghĩa từng phần, củng cố các căn cứ địa tiến lên thành lập các chiến khu, chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành chính quyền... Giữa lúc phong trào đang phát triển mạnh mẽ, nạn đói xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh phía Bắc làm hơn hai triệu người chết đói, Đảng ta đã kịp thời đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách trước sự sống còn của nhân dân. Đây là một chủ trương đúng đắn để phát động phong trào quần chúng của Đảng, đưa hàng triệu quần chúng từ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hằng ngày đến giác ngộ về chính trị. Vì vậy, phong trào phá kho thóc giải quyết nạn đói của quần chúng không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Khẩu hiệu này đưa ra giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, do đó đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc trong nhân dân và phát động quần chúng vùng lên với khí thế cách mạng hừng hực để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 09-3-1945, ngay khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ta đã họp và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", trong đó nhận định: Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Chỉ thị đã nêu lên một loạt công việc cần kíp phải làm để tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa dù quân Đồng minh có đổ bộ hay không đổ bộ vào Ðông Dương. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào. Hội nghị nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Đảng ta chủ trương lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương. Hội nghị đã cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản đầu hàng, đêm 13-8, từ Tân Trào Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát ra Quân lệnh số 1, trong đó nêu rõ: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!.. Rạng sáng 14-8-1945, Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!
Ngày 16-8-1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân đã họp, nhất trí cao với chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Việt minh; quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa trong đó nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền. Ngày 17-8-1945, Xứ ủy Bắc kỳ cùng với Thành ủy thành phố Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi vào ngày 19-8. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ các địa phương trong cả nước nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhân dân đã nổi dậy chiếm các công sở và triều đình Huế, buộc vua Bảo Đại phải đầu hàng, thoái vị. Ngày 25-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, hàng triệu người của thành phố Sài Gòn xuống đường tỏa ra chiếm các vị trí quan trọng, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn tạo khí thế cho các tỉnh Nam bộ vùng lên giành chính quyền.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” với sức mạnh phi thường của cả dân tộc, chúng ta đã giành chính quyền trong cả nước. Từ thực tiễn đó cho thấy: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố bên trong là quyết định. Đó là, nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng với đường lối hết sức đúng đắn. Đó còn là sự chuẩn bị chu đáo về xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cùng với việc dự đoán chính xác về thời cơ và nắm lấy thời cơ để phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền… Tất cả những luận chứng khoa học trên đây cùng với thực tiễn sinh động đã diễn ra của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho thấy, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám không phải là một sự ăn may như một số chính trị gia và học giả tư sản đã nói.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, lịch sử đã sang một trang mới, bắt đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Toàn thế giới đã chứng kiến sự ra đời của một nhà nước mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng cuộc sống mới./.