Những cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo đến trong những ngày giao mùa. Tiếng mưa xen lẫn với tiếng thở vội gấp gáp của chú chim trú ẩn sau lùm cây. Là tiếng yêu thương của người con xa quê gửi về quê cũ, là tiếng lòng của người con lớn lên khi quê hương ngày một đổi mới. Trong trái tim mỗi người con Bình Nam chúng tôi, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người con như chúng ta sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó suốt thời thơ ấu và là nơi khi nghĩ về ta lại thấy nao lòng.
Tôi là đứa con của vùng biển Bình Nam, quê hương Thăng Bình yêu dấu. Tôi sinh ra ở trong Nam nhưng hạnh phúc thay tôi được trở về quê hương để bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh tri thức của mình. Quê tôi là một phần có cát và nắng vàng của khúc ruột miền Trung thân yêu. Cuộc sống dân quê chúng tôi đầy gian truân nhưng quật cường và giàu lòng yêu nước, luôn kiên cường vượt lên những giông tố, cuồng phong của cuộc đời trên con đường mưu cầu hạnh phúc.
Chúng tôi lớn lên trên mảnh đất Bình Nam nhọc nhăn đầy gian khó, tuổi thơ của chị em tôi gắn liền với những tháng ngày bên đồng ruộng, nương khoai, với những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay, những dãi cát vàng chạy tít tắp tới chân trời. Chúng tôi có một tuổi thơ không mấy đủ đầy như những đứa trẻ ở vùng khác. Qua lời kể của ông bà, tôi biết quê mình những năm về trước nghèo lắm. Nghèo đến độ chỉ ăn khoai sắn trong cả những ngày Tết. Tuổi thơ của ông bà, cha chú chúng tôi có mấy ai đủ điều kiện để được đi học như bây giờ. Có đôi lần tôi nghe nội tôi kể “ hồi trước trong xóm được bao nhiêu đứa đi học đại học, thế mà bây giờ tụi nó cũng ăn nên làm ra đó thôi. Con sức khỏe yếu ớt ráng mà học hành, sau này đời nó bớt khổ. Đời ông cha mình khổ lắm rồi, cố gắng! Tụi con không biết chứ ngoài những giờ cắp sách đến trường còn phải ra đồng bắt cua, bắt cá phụ giúp gia đình lo từng miếng ăn cái mặc.....” Cơ cực thế, thiếu thốn là thế nhưng tôi luôn cảm nhận được sự phấn khởi và tự hào của những người con được lớn lên trong sự che chở, bao bọc của quê hương.
(Cầu Bình Nam bắt qua sông Trường Giang)
Tôi không đếm xuể những con đường liên xã nối nhau giữa các thôn xóm. Tôi cũng không đến xuể đã bao lần tôi đi qua con sông Trường Giang thấm mặn vị phù sa – nơi tuổi thơ tôi tắm mát những trưa hè. Tôi nhớ cả những ngày hè trên triền đê, chị em chúng tôi cùng lũ trẻ trong xóm rong ruổi khắp cách đồng cùng cánh diều chao nghiêng mỗi khi chiều về. Tôi nhớ cả cái vị mặn của nước biển mỗi khi lặn mình trong nước biển. Và nhớ cả những mùa bão lũ đi qua trong kí ức của tôi.
Khi tôi lớn hơn một chút, tôi có cơ hội nếm trải được cái hương vị đồng quê bình yên đến lạ. Là người con xã biển Bình Nam, tôi luôn tự hào nói với bạn bè tôi về vùng đất này. Nơi tôi lớn lên đã từng nghèo khó, đã từng sống những ngày cơ cực đến đáng sợ. Nhưng rồi tôi lớn lên trong sự vui mừng khi quê hương mình ngày một đổi mới. Dân cư đông đúc, hơn hết là tất cả người dân nơi đây luôn ngày đêm cần mẫn làm ăn, cố gắng mỗi ngày. Mỗi người mỗi việc dều mong muốn tương lai con cái của mình được thay đổi. Bình Nam quê tôi đi lên từ mảnh đất nghèo khó. Những người con Bình Nam nghị lực và ý chí của toàn dân trong xã cũng như sự quan tâm của các cấp ban ngành, chính quyền địa phương đã giúp cho nơi đây từng bước đi lên, ổn định kinh tế và tiến tới xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập trong thời kì mới. Có thể kể đến sự hỗ trợ thuyền bè, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, nâng cao năng suất, thúc đẩy mô hình kinh tế biển phát triển của chính quyền. Ngoài ra, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ban ngành, lãnh đạo xã Bình Nam chúng tôi đã cải tiến sản xuất cho những đợt bội thu, năng suất cao, sản lượng lúa ngày càng tăng. Đất nông nghiệp quê tôi ngày càng được đa phương hóa, đa dạng hóa trên nhiều phương diện. Trong quá trình lao động và sản xuất mỗi người dân quê tôi đều rút ra những kinh nghiệm trong sản xuất và truyền lại cho nhau để cùng phát triển.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã nhà đã và đang hoàn thiện các cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của quê hương. Anh Nguyễn Đăng Nhật – Phó chủ tịch UBND xã Bình Nam chia sẻ: “Trong quá trình đi lên nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, xã nhà đã cơ bản hoàn thành các cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã trước năm 2022. Bên cạnh đó cũng quan tâm đến đời sống sản xuất dân cư, đáp ứng tạo điều kiện cho người dân bám biển ra khơi. ....”
Bình Nam chúng tôi đẹp lắm! Đẹp cả con người và cả thiên nhiên. Nếu ai đó hỏi tôi, tôi tự hào về điều gì ở xã mình nhất? Vâng! Tôi xin đáp rằng “tôi tự hào vì đức tính giản dị, cần cù, chịu thương chịu khó của bà con quê tôi. Là xã biển nên một số khu vực làm nông còn lại là bám biển để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Bà con quê tôi ngày ngày làm việc trên những cánh đồng, những đêm trường lênh đênh trên sóng nước bất kể ngày mưa hay nắng, vẫn cần mẫn với công việc của mình. Dẫu vất vả, mệt mỏi nhưng người dân quê tôi vẫn luôn lạc quan, sống có tình, có nghĩa, xóm làng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Còn nhớ những chén cơm ngày đói, khoai sắn thời chiến loạn để ngày hôm nay phải cố gắng nhiều hơn.
Không chỉ là một vùng đất đầy nghĩa ân tình, chứa đầy phong vị cuộc sống. Bình Nam chúng tôi còn vang danh vùng đất anh hùng, oanh liệt trong chiến tranh và giàu truyền thống cách mạng. Đến Bình Nam, người ta sẽ nghe đến ngay các di tích lịch sử cấp tỉnh như Đình Tiền Hiền (thôn Thái Đông), Hầm Ông Bậc ( thôn Vịnh Giang) – nơi in dấu những dấu ấn lịch sử oai hùng của quê hương. Ông cha đã ngã xuống ngay trên mảnh đất này để chúng tôi có được như ngày hôm nay.
(Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại hầm ông Bậc)
Ngoài niềm tự hào khi mang trong mình dòng máu nóng, tinh thần cách mạng, chúng tôi còn tự hào hơn là trên chính mảnh đất Bình Nam lắm bụi phong trần, đầy rẫy gian truân cũng nuôi lớn những đấng anh tài. Bao nhiêu thế hệ học trò thành công bước ra từ cánh cổng Nguyễn Bỉnh Khiêm với tình yêu thương của thầy cô. Hơn nữa được nâng niu ngay từ những bài học đầu tiên trong ngôi nhà chung mang tên Tiểu Học Hoàng Văn Thụ. Sống trong nghèo khó dường như con người ta càng có ý chí vươn lên, tích cực thay đổi cuộc đời. Các thế hệ học trò Bình Nam đã, đang và sẽ luôn phát huy truyền thống hiếu học, tiếp tục trao dồi hiểu biết vốn có để làm giàu đẹp quê hương. Tự hào là nơi có biết bao thế hệ đi trước đã ghi danh mình trên bảng vàng làm rạng danh quê hương.
Chúng tôi luôn tự hào với truyền thống vượt khó học tập ở nơi đây. Tự hào với tình thương giữa người với người. Thương những trận mưa bão các anh dân quân - những chiến sĩ sao vuông đã xả thân đưa dân tôi vào vùng an toàn. Thương cho các anh chiếc sĩ công an, bộ đội biên phòng và cả những anh chị y tế đã và đang đồng hành cùng chúng tôi trong suốt mùa dịch vừa qua. Tôi nhớ những ngày ở khu cách ly với những bữa cơm đơn sơ nhưng chan chứa tình thương. Mỗi suất cơm đâu đó còn chan cả sự mệt nhòa sau giờ làm mệt mỏi. Tình người quê tôi đọng mật trong từng câu nói, tiếng yêu thương chưa kịp thành lời.
Đối với những người con xa quê thì hai tiếng quê hương là rất đổi thân thương. Tôi có một người bạn thuở ấu thơ, chúng tôi cùng nhau lớn lên trên cánh đồng mênh mông bất tận, được nuôi dưỡng trong dòng sữa mặn của mẹ biển cả. Khi lớn lên ở một vùng đất phồn hoa, nhộn nhịp nhưng cũng có những lúc người ta tìm về những khoảng lặng của riêng mình. Ngay lúc đó họ thu mình vào một góc nghĩ xa xăm và nhớ về cố hương. Tôi nhớ những buổi chiều cùng Hằng - người bạn xa quê cùng nhau thả diều, bắt bướm trên ruộng lúa bao la, chạy đuổi nhau giữa bờ cát vàng đầy nắng và gió sương. Bây giờ chúng tôi đã lớn, ai cũng có những định hướng riêng cho tương lai. Nhưng dù có thế nào thì chúng tôi luôn nhìn về một hướng – nhìn về quê hương Bình Nam, nhìn lại tháng ngày lam lũ mà tuổi thơ chúng tôi đã trải qua. Và hơn cả là nỗi nhớ quê khắc khoải thường trực trong tâm trí của chúng tôi. Trong tâm thức của bạn tôi, Bình Nam là cái nôi của tuổi thơ, là bài hát ru ầu ơ ngoại hay hát, là tiếng cười tiếng khóc khi bị ba mẹ la rầy, là cả những phút giây cùng tôi thả hồn mình cùng cơn gió chiều trên sông Trường Giang, nghe tiếng khua chèo gọi cá ven sông... Tất cả như còn nguyên vẹn trong tâm trí chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Ngày hôm nay trên đà phát triển của quê hương, là công dân Bình Nam chúng ta hãy nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân mình. Hãy tự nhắc nhở bản thân mình phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với quê hương. Đã là người dân Bình Nam xin hãy xác định tư tưởng, tình cảm, lí tưởng sống của mình: yêu xóm làng, từng tấc đất của quê hương, giữ trong tim niềm tự hào tự tôn của người con Bình Nam, ra sức lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân để cống hiến cho xã nhà và đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần. Trong xu thế toàn cầu, mỗi người chúng ta cần bắt kịp xu thế hội nhập, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ cao, vậy nên hãy học tập tích lũy tri thức để góp phần xây dựng quê hương để theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phải rèn luyện sức khỏe để có khả năng cống hiến và bảo vệ quê hương. Đồng thời với mỗi người người dân Bình Nam như chúng ta cũng cần quan tâm theo dõi đến tình hình chung của đất nước, tỉnh táo trước hành động của mình không bị kẻ xấu lợi dụng. Về vấn đề chủ quyền biển đảo, chúng ta cần khẳng định chủ và hưởng ứng tích cực các diễn đàn chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó còn cần phải kịch liệt lên án và đấu tranh, tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm phạm chủ quyền biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, phải luôn có “trái tim nóng, cái đầu lạnh”. Và hơn hết mọi người hãy tự cảnh giác, tránh xa các tệ nạn, tránh những hành vi vi phạm pháp luật, tỉnh táo tranh xa các hoạt động chống phá nhà nước. Hãy lan tỏa niềm tin, sự tự hào tự tôn cùng nhận thức đúng đắn tới con em chúng ta vì sự phát triển giàu đẹp và văn minh hơn của xã nhà.