Ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Khẳng định giá trị, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời phát triển văn hoá đọc trong nhà trường, thực hiện kế hoạch số 557/KH-SGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Ngày 21 tháng 4 năm 2022 Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã tổ chức hội thi học sinh đọc và kể chuyện theo sách.
Hội thi đã thu hút học sinh toàn trường tham gia, sau đó mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 5 chọn 1 học sinh dự thi cấp trường, 29 học sinh với 29 câu chuyện thật hay. Các câu chuyện được đầu tư dàn dựng công phu, diễn xuất, phụ họa tốt, thể hiện sự chú trọng, quan tâm đến phong trào đọc sách của các lớp. Một số câu chuyện đọc, kể được đánh giá cao về nội dung, về sự đầu tư, dàn dựng như lớp 1/3, 1/5, 1/6, 3/2, 3/4, 4/2,… Bên cạnh đó, các thí sinh đã mang đến hội thi nhiều câu chuyện mang tính nhân văn về Bác Hồ, truyền tải thông điệp về nghĩa thầy trò, tình bạn cao cả, tình yêu thương con người, sự chia sẻ, chung tay giữ gìn và bảo vệ sách.
Hội thi đọc, kể chuyện theo sách thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa tinh thần, tạo nét đẹp văn hóa học đường góp phần giáo dục học sinh những giá trị lịch sử của Dân tộc Việt Nam. Hội thi đã để lại trong mỗi chúng ta nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Các em đã lựa chọn nhiều câu chuyện hay Bác Hồ với thiếu nhi, về gương người tốt việc tốt,... Qua các câu chuyện, các em đã đem đến cho người xem, người nghe những hình ảnh sôi động, hào hùng, yêu thương, chăm chỉ, ngoan ngoãn của các nhân vật trong mỗi câu chuyện. Ở mỗi câu chuyện đọc, kể đều được chuẩn bị kỹ các khâu: Giới thiệu xuất xứ câu chuyện, diễn đạt, minh hoạ nhân vật kết hợp hình ảnh, phim, âm thanh, phụ họa làm cho câu chuyện kể thêm sinh động, hấp dẫn. Nhiều thí sinh đã bộc lộ được năng khiếu đọc, kể chuyện của mình với chất giọng cuốn hút, dẫn lời nhân vật, động tác diễn đạt phù hợp tạo bất ngờ thu hút ban giám khảo lẫn người xem về tính chuyên nghiệp.
Qua hội thi, nhà trường đã xây dựng và phát triển văn hóa đọc, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong thiếu nhi, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống và truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình Việt Nam, từ đó hình thành cho các em thiếu nhi ý thức, trách nhiệm của bản thân để học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, phát huy tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người và biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè và xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Giúp các em thiếu nhi khơi dậy niềm đam mê đọc sách, bổ sung kiến thức cho bản thân, phát huy tính sáng tạo, trí tưởng tượng qua việc học tập những điều hay, lẽ phải, cảm thụ được cái hay, cái đẹp qua từng trang sách, tạo động lực phấn đấu trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ tương lai.
Tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho thiếu nhi toàn trường qua đó giúp cho việc học tập các môn khác được tốt hơn, là dịp để thiếu nhi ở các phân hiệu trong nhà trường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao 5 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải 3 cho các em đạt thành tích cao trong hội thi và 14 giải khuyến khích động viên tinh thần cho các em./.