* Lịch sử hình thành
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Lực lượng Công an nhân dân trong lễ duyệt binh chào mừng ngày quốc khánh 2/9
Trong cao trào xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Đội tự vệ đỏ được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết – Công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết.
Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội tự vệ”, khi cuộc vận động mặt trận dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị; “Mỗi ấp phải tổ chức ra đội tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”.
Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.
Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng; đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội Hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội tự vệ đỏ”, “Ban công tác đội” và “đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Bộ. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập sở Liêm phóng, Trung Bộ lập sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8 trở thành ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam.
* Ý Nghĩa
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 521/QĐ-TTg, quy định ngày 19/8 hàng năm là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Việc xác định ngày truyền thống Công an nhân dân có những ý nghĩa như sau:
Thứ nhất, ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, đây cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, vượt qua gian khổ cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin, lòng trung thành của lực lượng Công an nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin, lòng trung thành của lực lượng Công an nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, hàng năm, thông qua tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đây chính là thời điểm để đánh giá và tổng kết những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, thiếu sót trong công cuộc bảo vệ an ninh tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.